Sang nhượng trường mầm non

Sang nhượng trường mầm non

Câu hỏi: Tôi có sở hữu một trường mầm non ở Quận 2. Đầu tư được 3 năm và đã bắt đầu sinh lời từ 2019. Tuy nhiên, sang năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh và chưa biết đến khi nào có phục hồi trở lại. Hiện tôi đã không còn khả năng cầm cự và duy trì hoạt động nên muốn sang nhượng trường mầm non của mình có người khác có khả năng. Tôi phải làm gì và thực hiện thủ tục như thế nào? Nhờ LTL tư vấn giúp tôi. Tôi chân thành cảm ơn.

(Anh Nguyễn Hoài N, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh)

Trả lời: LTL chân thành cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm gửi thắc mắc về Bộ phận tư vấn của LTL. Liên quan đến thắc mắc của anh chị, LTL xin được trả lời như sau:

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP hiện nay không quy định về việc chuyển nhượng trường mầm non tư thục mà chỉ có thủ tục sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ. Như vậy, nếu có nhu cầu chuyển nhượng thì các bên chỉ có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng cơ sở vật chất, tài sản trong lớp học sang cho cá nhân khác, còn về mặt pháp lý thì không thể chuyển nhượng được. 

Nếu chủ sở hữu trường mầm non là cá nhân và có nhu cầu chuyển nhượng trường mầm non thì bạn cần tuần tự thực hiện các bước sau đây:

Bước 1: Thực hiện chuyển nhượng các tài sản tại lớp học và chuyển nhượng các hợp đồng còn hiệu lực

Đối với các tài sản không đăng ký quyền sở hữu tại lớp học như đồ dùng, trang thiết bị dạy học… các bên có thể thỏa thuận giá và phương thức chuyển nhượng. Tiếp đến, có thể cụ thể hóa tại hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện bàn giao bằng biên bản.

Đối với các hợp đồng đang thực hiện dang dở như hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh, hợp đồng lao động với giáo viên nhân viên, hợp đồng cung ứng thực phẩm… có thể thực hiện chuyển giao để bên nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện các hợp đồng này (nếu không muốn thay đổi). Ngược lại, Bên chuyển nhượng có thể thực hiện thanh lý hợp đồng với các bên liên quan để bên nhận chuyển nhượng có thể ký các hợp đồng mới.

Bước 2: Thực hiện giải thể trường mầm non của bên chuyển nhượng

Để thực hiện bước này, chủ sở hữu trường sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 46/2017/NĐ-CP như sau:

Điều 9. Giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ

1. Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

…………………………

d) Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.

3. Hồ sơ gồm:

a) Quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Biên bản kiểm tra;

c) Tờ trình đề nghị giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ của Phòng Giáo dục và Đào tạo trong đó xác định rõ lý do đề nghị giải thể kèm theo các chứng cứ chứng minh trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ vi phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này hoặc tờ trình đề nghị giải thể của tổ chức, cá nhân thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, trong đó nêu rõ lý do giải thể, các biện pháp giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; phương án giải quyết các tài sản của trường.

4. Trình tự thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân đã đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị giải thể tới Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Trong trường hợp phát hiện hoặc có báo cáo của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân về việc trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ có hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng có liên quan trong thời hạn 20 ngày làm việc, tiến hành kiểm tra xác minh, lập hồ sơ giải thể trong đó phải nêu rõ lý do giải thể, thông báo cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định giải thể hay không giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;

d) Quyết định giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ cần nêu rõ lý do giải thể, quy định biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường; phương án giải quyết các tài sản của trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bước 3: Xin cấp phép thành lập và hoạt động trường mầm non của bên nhận chuyển nhượng

Tại bước này, bạn phải chuẩn bị hồ sơ cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động được quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định 46/2017/NĐ-CP. Thành phần hồ sơ cơ bản sẽ kế thừa từ hồ sơ cấp phép thành lập và hoạt động của trường mầm non cũ và được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế của trường mầm non mới.

Kết thúc bước này thì việc sang nhượng trường mầm non của bạn là hoàn tất.

Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.

Đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí cho từng trường hợp cụ thể.

Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư

Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL

HOTLINE: 090.145.1945

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *