Hợp đồng thuê văn phòng có phải công chứng?
Hợp đồng thuê văn phòng có phải công chứng? là một thắc mắc mà LTL thường xuyên nhận được từ Qúy khách hàng. Trong bài viết này, chuyên viên sẽ trả lời cho câu hỏi trên bằng cách tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định về thuật ngữ nhà, công trình xây dựng có sẵn như sau:
“3. Nhà, công trình xây dựng có sẵn là nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng.”
Như vậy, văn phòng là một loại hình của công trình xây dựng sẳn có. Vì vậy, bản chất của hợp đồng thuê văn phòng chính là hợp đồng thuê công trình xây dựng. Về vấn đề công chứng hợp đồng thuê văn phòng, công trình xây dựng, pháp luật hiện hành quy định như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở 2014:
“2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.”
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bất động sản 2014:
“2. Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.”
Từ hai quy định trên, có thể kết luận rằng: Hợp đồng thuê văn phòng không bắt buộc phải công chứng mà vẫn có hiệu lực thi hành đối với các bên tham gia vào hợp đồng.
Đồng thời, trong bài viết này, chuyên viên tư vấn cũng nêu ra những ưu, nhược điểm của việc tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng thuê văn phòng:
- Ưu điểm của việc công chứng hợp đồng thuê văn phòng:
Thứ nhất, khẳng định tính pháp lý của các tình tiết, sự kiện có trong hợp đồng thuê văn phòng. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, những tình tiết, sự kiện trên được mặc nhiên xem là chứng cứ, mà không cần phải chứng minh. Điều này tạo thuận lợi cho các bên đưa ra các chứng cứ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cho mình. Đó là nội dung được quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật công chứng 2014:
“3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.”
Thứ hai, khi tiến hành thủ tục công chứng, các bên sẽ biết rõ hơn về tình trạng pháp lý của văn phòng đó: Có đang bị tranh chấp hay áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không?. Từ đó nhằm loại bỏ những rủi ro pháp lý cho mình.
Thứ ba, hạn chế nguy cơ vô hiệu của hợp đồng. Công chứng viên sẽ rà soát nhằm loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật trong hợp đồng, giảm bớt nguy cơ dẫn đến hợp đồng vô hiệu.
- Nhược điểm của việc tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng thuê văn phòng:
Thứ nhất, các bên phải chi trả một số tiền nhất định cho chi phí công chứng. Trong nhiều trường hợp, chi phí công chứng là không hề nhỏ. Bởi vì, giá trị hợp đồng càng cao thì phí công chứng sẽ càng cao theo biểu phí được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC:
“b) Mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất; thuê nhà ở; thuê, thuê lại tài sản:
TT | Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) | Mức thu
(đồng/trường hợp) |
1 | Dưới 50 triệu đồng | 40 nghìn |
2 | Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng | 80 nghìn |
3 | Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng | 0,08% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
4 | Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng | 800 nghìn đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
5 | Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng | 02 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
6 | Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng | 03 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
7 | Từ trên 10 tỷ đồng | 05 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng (mức thu tối đa là 8 triệu đồng/trường hợp) |
Thứ hai, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch là một thủ tục mang nặng tính hình thức. Vì vậy, yêu cầu nghiêm ngặt về mặt pháp lý, đòi hỏi nhiều giấy tờ như Giấy chứng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Hộ khẩu, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,.. Điều này có thể khiến các bên mất nhiều thời gian trong việc công chứng.
Như vậy, hợp đồng thuê văn phòng không bắt buộc phải công chứng. Thủ tục công chứng không phải là điều kiện tiên quyết và bắt buộc để hợp đồng thuê văn phòng có hiệu lực. Trong trường hợp, các bên có nhu cầu công chứng hợp đồng thuê văn phòng, thì cần cân nhắc các mặt ưu và nhược điểm của việc công chứng để quyết định tiến hành thủ tục công chứng hay không.
Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.
Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline: 0902.990.954
Email: infotuvanltl@gmail.com