Tên doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý liên quan

Tên doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý liên quan

Việc đăng ký “tên khai sinh cho doanh nghiệp” cũng giống như đặt tên cho một đứa con sắp chào đời, hoàn toàn không khác chút nào. Các Startup sẽ có những tiêu chí nhất định và khác nhau để chọn tên doanh nghiệp mà mình thành lập. Tuy nhiên, phù hợp theo quy định của pháp luật vẫn là yếu tố quan trọng và tiên quyết.

Trong phạm vi bài viết này, LTL Consultant sẽ cung cấp những nội dung cơ bản liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp để cái tên trở thành niềm tự hào của doanh nghiệp qua từng năm tháng thay vì trở thành đối tượng cho một vụ kiện tụng do vi phạm những quy định pháp luật liên quan.

1. Các thành phần tạo nên tên của doanh nghiệp

Căn cứ pháp lý: Điều 38 Luật doanh nghiệp 2014

Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

  • Loại hình doanh nghiệp: Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;
  • Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu

Ví dụ: Tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Tư vấn & Đầu tư LTL sẽ bao gồm:

  • Loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH
  • Tên riêng: Tư vấn & Đầu tư LTL. Trong đó, “Tư vấn & Đầu tư” có thể được xem là thành tố để xác định ngành nghề, lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thêm thành tố này nếu thấy cần thiết.

2. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

Căn cứ pháp lý: Điều 39 Luật doanh nghiệp 2014

  • Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp

Căn cứ pháp lý: Điều 40 Luật doanh nghiệp 2014:

  • Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
  • Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.

4. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

Theo quy định như trên, tên doanh nghiệp không được trùng hay gây nhầm lẫn với doanh nghiệp đã đăng ký. Vậy như thế nào là tên trùng hay gây nhầm lẫn?

Căn cứ pháp lý: Điều 42 Luật doanh nghiệp 2014

(i) Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

(ii) Tên được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký khi rơi vào các trường hợp sau đây:

  • Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.

5. Mối liên hệ giữa “tên doanh nghiệp” với “Quyền sở hữu trí tuệ”

Pháp luật sở hữu trí tuệ có quy định không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu.

Chúng ta có thể loại bỏ rủi ro này thông qua việc tra cứu trước thành lập bằng các hình thức sau:

  • Tham khảo tên doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 
  • Tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước để tránh chọn tên doanh nghiệp xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ.

Xử lý thế nào khi tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

  • Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có tên vi phạm phải đổi tên.
  • Chủ thể sở hữu hợp pháp có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu cần thiết chứng minh cho việc xâm phạm và có quyền đề nghị Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm phải thay đổi tên cho phù hợp. 
  • Cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm đổi tên trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ chứng minh của chủ sở hữu hợp pháp. Doanh nghiệp có tên xâm phạm sẽ có thời hạn 2 tháng để tiến hành thủ tục thay đổi. Nếu không thực hiện, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền thông báo cho Cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật sở hữu trí tuệ.
  • Nếu có ý kiến phản đối, doanh nghiệp có quyền gửi công văn phúc đáp. Quá thời hạn 2 tháng, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp.

Nếu đã có một vài cái tên trong đầu và còn phân vân, bạn có thể liên hệ LTL Consultant để được tư vấn và tra cứu kỹ càng hơn.

LTL Consultant ở đây để hỗ trợ Quý doanh nghiệp, các khởi nghiệp (Startup) trẻ tìm kiếm các giải pháp ngăn ngừa rủi ro nhằm tiết kiệm chi phí, kết nối một Cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh và cùng nhau phát triển, cất cánh.

Trên đây là một số ý kiến phân tích nhằm mục đích tham khảo của LTL Consultant. Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí cho trường hợp của mình. Chúng tôi muốn được giúp đỡ các bạn, quý Doanh nghiệp và trao đi những giá trị thật sự.

Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư

Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL

HOTLINE: 090.145.1945

Mail: tuvanltl@gmail.com

4 Replies to “Tên doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý liên quan”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *