Hướng dẫn đăng ký kinh doanh

Hướng dẫn đăng ký kinh doanh

Đăng ký kinh doanh là một thủ tục bạn phải tiến hành nếu muốn thành lập doanh nghiệp để tiến hành sản xuất, kinh doanh. Trước khi tiến hành đăng ký kinh doanh bạn cần xem xét các yếu tố nhằm lựa chọn loại hình cũng như chuẩn bị hồ sơ sao cho phù hợp và đúng quy định. Trong bài viết này sẽ hướng dẫn bạn tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh.

Khi tiến hành đăng ký kinh doanh thì bạn cần xem xét các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, số lượng chủ sở hữu hoặc các thành viên cùng kinh doanh: Tùy thuộc vào số lượng chủ sở hữu hay các thành viên cùng kinh doanh mà bạn có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Trường hợp bạn muốn tiến hành kinh doanh một mình thì bạn có thể lựa chọn các loại hình như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp có nhiều thành viên muốn góp vốn cùng kinh doanh thì bạn cần đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh hay công ty cổ phần.

Thứ hai, chế độ tài sản của từng loại hình: Nếu nhìn ở góc độ này thì công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần có lợi thế hơn hẳn các loại hình như doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh. Bởi vì, trong công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần người góp vốn chỉ phải chịu rủi ro trong phạm vi số vốn mình bỏ ra nghĩa là tồn tại một hàng rào chắn giúp bảo vệ tài sản riêng của thành viên góp vốn/cổ đông.

Thứ ba, cơ cấu quản lý của từng loại hình doanh nghiệp: Trong tất cả các loại hình thì công ty cổ phần là loại hình có cơ cấu quản lý phức tạp nhất. Vì vậy, loại hình công ty cổ phần chỉ phù hợp đối với quy mô tương đối lớn. Trong trường hợp bạn có nhu cầu thành lập một loại hình có cơ cấu đơn giản, tùy nghi thì hình thức doanh nghiệp tư nhân là lựa chọn phù hợp. Bởi vì, Luật doanh nghiệp 2014 không quy định về cơ cấu quản lý của doanh nghiệp tư nhân mà trao quyền tổ chức cơ cấu công ty cho chủ doanh nghiệp tư nhân. Trong khi các công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần đều phải tuân theo một cơ cấu quản lý mà Luật doanh nghiệp 2014 quy định.

Thứ tư, khả năng huy động vốn của từng loại hình. Trong quá trình sản xuất kinh doanh thì nhu cầu huy động vốn là hoàn toàn có thể phát sinh. Vì vậy, bạn cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp có khả năng huy động vốn lớn và đa dạng. Ở góc độ này, doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế nhất về khả năng huy động vốn vì doanh nghiệp tư nhân không được quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Đồng thời, khi tiến hành vay vốn tín dụng doanh nghiệp tư nhân cần phải thông qua chủ doanh nghiệp tư nhân vì không có tư cách pháp nhân. Loại hình công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có khả năng phát hành nhiều loại chứng khoán như trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn miễn là đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật chứng khoán.

Thứ năm, chi phí quản lý đối với từng loại hình: Chi phí quản lý bao gồm những khoản như sau: chi phí tiền lương cho công, nhân viên, chi phí triệu tập cuộc họp, chi phí hành chính-quản trị. Về góc độ này, có lẽ công ty cổ phần đặc biệt là các công ty đại chúng là loại hình tiêu tốn nhiều chi phí nhất do số lượng cổ đông nhiều, cơ cấu quản lý phức tạp.

Thứ sáu, khả năng chuyển nhượng vốn/bán doanh nghiệp: Đây cũng là một yếu tố quan trọng để xem xét lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Trong công ty cổ phần thì các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần trừ một số trường hợp đặc biệt. Trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thì cần chào bán cho các thành viên còn lại trước. Đối với thành viên hợp danh trong công ty hợp danh thì cần có sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại.

Sau khi xem xét các yếu tố trên và đã lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp bạn cần tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì tiến hành thủ tục theo quy định tại Điều 21 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Đối với loại hình công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên được tiến hành theo quy định tại Điều 22 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Đối với hình thức công ty TNHH một thành viên thì bạn tiến hành theo quy định tại Điều 23 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Như vậy, để tiến hành đăng ký kinh doanh thì bạn cần xem xét toàn diện các yếu tố trên để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, sau đó tiến hành thủ tục theo quy định tương ứng.

https://tuvanltl.com/mau-hop-dong-chuyen-nhuong-cong-ty-tnhh/

Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline0902.990.954
Emailinfotuvanltl@gmail.com