Tại sao nên thành lập doanh nghiệp tư nhân ?

Tại sao nên thành lập doanh nghiệp tư nhân ?

Trong tất cả các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, không có một loại hình doanh nghiệp mang tính ưu việt tuyệt đối. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu, nhược điểm riêng và doanh nghiêp tư nhân không phải ngoại lệ. Bài viết này sẽ phân tích những ưu, nhược điểm để bạn tham khảo trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân.

  • Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:

Thứ nhất, thủ tục thành lập đơn giản. Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 78/2015/NĐ/CP hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân bao gồm:

Điều 21. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Nếu so với hồ sơ đăng ký thành lập các loại hình doanh nghiệp khác thì hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân đơn giản hơn nhiều. Bởi vì, bạn không cần chuẩn bị những loại giấy tờ như Điều lệ công ty, danh sách thành viên. Vì vậy, thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn.

Thứ hai, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, được tổ chức tùy nghi theo ý muốn của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Nếu như trong công ty cổ phần hay công ty TNHH, Luật doanh nghiệp 2014 có quy định phải tuân theo một số cơ cấu tổ chức nhất định. Đối với doanh nghiệp tư nhân, Luật doanh nghiệp 2014 không quy định về cơ cấu tổ chức mà trao quyền cho chủ doanh nghiệp tư nhân. Điều này tạo ra hành lang pháp lý để chủ doanh nghiệp tư nhân tổ chức công ty của mình sao cho phù hợp, gọn nhẹ nhất có thể.

Thứ ba, do doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân thành lập và làm chủ nên chủ sở hữu có quyền quyết định đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, quyền hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân là rất lớn. Điều này tạo cơ sở cho chủ doanh nghiệp tư nhân ra quyết định phục vụ hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng, quyết đoán.

  • Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

Thứ nhất, cơ chế chịu trách nhiệm vô hạn trên toàn bộ tài sản gây ra một rủi ro pháp lý đối với chủ doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

Điều 183. Doanh nghiệp tư nhân

  1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Phạm vị chịu trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ nằm trọng phạm vi vốn đầu tư mà còn nằm trên toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Điều này sẽ gây bất lợi cho chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp, đặc biệt là khi doanh nghiệp tư nhân rơi vào tình trạng phá sản, kiệt quệ tài chính. Nếu như trong công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông/người góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trên phạm vi giá trị cổ phần/phần vốn góp đối với nghĩa vụ của công ty. Điều này tạo ra một “rào cản” nhằm bảo vệ tài sản khác của cổ đông/người góp vốn. Còn đối với chủ doanh nghiệp tư nhân thì không tồn tại rào cản nói trên.

Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Sở dĩ, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì không đáp ứng đầy đủ những điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015. Việc không có tư cách pháp nhân cũng gây bất lợi không nhỏ cho doanh nghiệp tư nhân.

Vì không có tư cách pháp nhân, cho nên doanh nghiệp tư nhân không thể nhân danh mình để tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập. Khi tham gia vào quan hệ pháp luật, thực chất chủ doanh nghiệp tư nhân đang trực tiếp tham gia vào quan hệ pháp luật. Điều này được thể hiện rõ nét trong quan hệ giao dịch dân sự hay quan hệ tố tụng. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014:

“3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

Đồng thời, việc không có tư cách pháp nhân dẫn đến khó khăn khi doanh nghiệp tư nhân tính toán về các phương án huy động vốn trong đó có vay tín dụng. Bởi vì, theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:

“3. Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm:

  1. a) Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
  2. b) Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.”

Như vậy, theo quy định trên, thì các tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân không thuộc diện là khách hàng được vay vốn tín dụng. Trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân phải đứng ra vay tín dụng dưới tư cách là cá nhân, sau đó đem vốn về phục vụ hoạt động kinh doanh. Có thể thấy, đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn hơn.

Thứ ba, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Cùng với khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán để huy động vốn. Nhìn từ góc độ các phương thức để huy động vốn, thì rõ ràng doanh nghiệp tư nhân bị bó hẹp hơn các loại hình doanh nghiệp còn lại.

Như đã nói ở trên, bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào cũng có những ưu, nhược điểm riêng và doanh nghiệp tư nhân không phải là ngoại lệ. Bài viết này đã chỉ ra những ưu, nhược điểm của doanh nghiệp tư nhânnhằm cung cấp kiến thức để phục vụ quá trình thành lập và quản lý doanh nghiệp tư nhân của bạn.

https://tuvanltl.com/tai-sao-cong-ty-hop-danh-khong-duoc-phat-hanh-chung-khoan/

Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline0902.990.954
Emailinfotuvanltl@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *