Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?

Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?

Trong tất cả các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, thì chỉ có duy nhất doanh nghiệp tư nhân là loại hình không có tư cách pháp nhân. Đây là cũng điểm đặc thù của hình thức doanh nghiệp tư nhân, mà các cá nhân cần lưu ý khi đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân. Có rất nhiều câu hỏi về việc: Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?. Bài viết này nhằm đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên.

Trước hết, để bất cứ tổ chức nào được công nhận là có tư cách pháp nhân, tổ chức đó phải đáp ứng tất cả các điều kiện được quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
  • b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
  • c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Để lý giải tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân thì cần phải đối chiếu những điều kiện trên so với những đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014.

Thứ nhất, về điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật. Về điều kiện này, thì doanh nghiệp tư nhân đáp ứng. Vì doanh nghiệp tư nhân được quy định là một hình thức hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng thời, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân còn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhằm chứng minh tính thành lập hợp pháp của nó.

Thứ hai, có cơ cấu tổ chức rõ ràng. Ở điều kiện này, tùy vào sự tổ chức, sắp xếp của chủ sở hữu mà doanh nghiệp tư nhân có cơ cấu tổ chức hay phòng ban rõ ràng hay không. Bởi vì, Luật doanh nghiệp 2014 không quy định về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân mà trao quyền tổ chức cho chủ sở hữu. Như vậy, so với công ty cổ phần hay công ty TNHH thì cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân thực sự không rõ ràng, được tổ chức theo ý muốn của chủ sở hữu. Cho nên về điều kiện này, doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng.

Thứ ba, điều kiện về có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 184 Luật doanh nghiệp 2014:

“1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.”

Như vậy, vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân là do chủ sở hữu tự đăng ký. Việc tăng hay giảm vốn điều lệ cũng không cần trải qua một quy trình như tại công ty cổ phần hay công ty TNHH mà trong nhiều trường hợp chỉ cần ghi vào sổ sách kế toán. Như vậy, tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có sự rõ ràng, tách bạch với tài sản chủ doanh nghiệp tư nhân. Cho nên, rất khó để xác định đâu là tài sản doanh nghiệp tư nhân, đâu là tài sản của chủ sở hữu. Về điều kiện này, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không đáp ứng.

Thứ tư, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật. Đối chiếu với quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, thì có thể dễ dàng nhận ra rằng, doanh nghiệp tư nhân không thể tự mình nhân danh để tham gia quan hệ pháp luật. Cụ thể, theo quy định Khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014:

“3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

Trong quan hệ tố tụng, doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh mình để tham gia với tư cách độc lập mà tư cách tham gia là của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, từ việc xét các điều kiện để công nhận pháp nhân được quy định trong Bộ luật dân sự 2015, có thể kết luận: Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì:

  • Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân không rõ ràng;
  • Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập với cá nhân chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.
  • Trong quan hệ tố tụng tại Tòa án và Trọng tài, doanh nghiệp tư nhân không được độc lập nhân danh mình để tham gia.

https://tuvanltl.com/tai-sao-cong-ty-tu-nhan-khong-co-tu-cach-phap-nhan/

Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline0902.990.954
Emailinfotuvanltl@gmail.com

2 Replies to “Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *