Legal for Startup 3 – Các nội dung cần có trong thỏa thuận của các đồng sáng lập

Legal for Startup 3: Các nội dung cần có trong thỏa thuận của các đồng sáng lập

Trong phần này, LTL Consultant sẽ đề cập về việc thỏa thuận của các đồng sáng lập cần được xác lập như thế nào để đảm bảo có hiệu lực cả về nội dung lẫn hình thức cũng như ngăn ngừa được các rủi ro?

Hiện nay, Các thỏa thuận này không cần phải đáp ứng các điều kiện về hình thức để có hiệu lực. Đây là một thỏa thuận dân sự đơn thuần dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tự do thỏa thuận và không trái với quy định của pháp luật và cần được thiết lập thành văn bản để ghi nhận rõ ràng, đầy đủ những gì các bên đã thống nhất với nhau. Có công chứng hay cần người làm chứng hay không đó là quyền của các bên.

Về mặt nội dung, LTL Consultant khuyên các đồng sáng lập của khởi nghiệp (Startup) cần đảm bảo các nội dung cơ bản như sau:

1. Xác định mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn của Startup

Các đồng sáng lập hoàn toàn có thể có những mong muốn và mục tiêu, định hướng khác nhau (xây dựng phát triển trường tồn hoặc xây dựng để bán v.v…). Do vậy, việc bàn bạc, thảo luận, thống nhất mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn của Startup là điều cần phải làm ngay trước khi bắt tay vào triển khai dự án. Mặt khác, kế hoạch kinh doanh có thể thay đổi theo thời gian và thị trường. Tại đây, nếu các bên không có sự thống nhất về các giá trị cốt lõi của Startup ngay từ đầu sẽ rất dễ xảy ra các bất đồng, tranh chấp.

2. Xác định cách thức làm việc, ra quyết định

Để đảm bảo hiệu quả hoạt động trong quá trình triển khai ý tưởng kinh doanh và tránh trường hợp chậm trễ, trì hoãn khi đưa ra các quyết định, các đồng sáng lập cần xác định cơ chế vận hành Startup trong việc đưa ra quyết định bao gồm quyết định mang tính chiến lược và quyết định mang tính điều hành thường xuyên trong các sự vụ hàng ngày.

  • Ai là người có quyền đưa ra quyết định cho những vấn đề nào? Tập thể hay cá nhân?
  • Quyết định nào phải được sự đồng ý của đại đa số sáng lập viên hoặc chính sáng lập viên quyết định?
  • Cơ chế thông qua các quyết định mang tính tập thể là gì? Số phiếu tán thành/ được thông qua là bao nhiêu?
  • Những vấn đề khác có liên quan.

3. Xác định rõ vai trò/ sự đóng góp của từng đồng sáng lập

  • Về quyền hạn, vai trò: Phải xác định vai trò cụ thể của từng đồng sáng lập trong dự án? Những vấn đề nào cần được thông qua giữa những cộng sự? Cách thức? Người đại diện cho dự án làm việc với các đối tác, nhà đầu tư? Chế độ báo cáo nội bộ như thế nào? Thẩm quyền đàm phán, tham gia các ký kết, giao dịch thuộc về ai?…
  • Phân định về nghĩa vụ và sự đóng góp: Trong giao đoạn này, sự đóng góp của các đồng sáng lập được thể hiện dưới hình thức: tiền mặt, tài sản là động sản hoặc bất động sản (Bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu trí tuệ, ý tưởng ….). Việc không phân định rõ tài sản được đóng góp có chuyển quyền sở hữu hay không hay chỉ góp quyền sử dụng trong thời gian triển khai dự án đang là một tranh chấp phát sinh rất thường gặp. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chưa được hình thành nên các quy định pháp luật áp dụng là quan hệ pháp luật dân sự dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, phải kể đến trường hợp, đồng sáng lập không góp bằng một trong các tài sản đã kể trên mà góp bằng công sức. Đây là một khái niệm không thật sự rõ ràng được xác lập qua thời gian hay hiệu quả công việc và chỉ được ghi chung chung cũng thường dẫn đến mâu thuẫn nội bộ Khởi nghiệp (Startup). Các câu hỏi cần được trả lời đó là: các đồng sáng lập cần dành bao nhiêu thời gian cho việc triển khai dự án? Có bao nhiêu phần việc và ai chịu trách nhiệm trong phần việc nào? Cơ chế phối hợp ra sao? Các sáng lập viên có được làm những công việc kinh doanh khác hay không? Tất cả sẽ tạo nên hệ thống quản lý công việc hiệu quả, suôn sẻ cho Startup.

4. Phân chia các giá trị/ lợi nhuận khi Startup và sau thành lập chủ thể kinh doanh

  • Tỷ lệ % lợi nhuận của từng sáng lập viên khi Startup đi vào hoạt động nhưng chưa thành lập công ty.
  • Phân chia phần vốn góp/ cổ phần khi Startup thành lập công ty phụ thuộc vào giá trị khoản đóng góp của từng sáng lập viên, cam kết về thời gian gắn bó, có hay không sự kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, có hay không một tỷ lệ sỡ hữu cần thiết trong công ty để thưởng cho những nhân viên xuất sắc, trung thành và đặc tính của mỗi Startup.
  • Xác định mức lương, thưởng (Nếu có).

5. Các hệ quả pháp lý khi người đồng sáng lập vi phạm cam kết

Khi khởi nghiệp (Startup) gặp nhiều khó khăn, thử thách dẫn đến “đứt gánh giữa đường” bởi sự rút lui một người đồng sáng lập là điều không ai muốn. Tuy nhiên, điều này lại rất thường xuyên xảy ra. Điều khoản này bao gồm các nội dung sau đây:

  • Họ có được chia % tỷ lệ sở hữu trong công ty hay không? Nếu có, tỷ lệ này là bao nhiêu? (Hay còn gọi là điều khoản vesting). Nội dung của điều khoản Vesting mang tính ràng buộc sự gắn bó của những người đồng sáng lập với Startup bằng việc đặt ra một khoản thời gian nhất định để quyền được hưởng tỷ lệ sở hữu trong công ty có hiệu lực và phát sinh giá trị.
Ví dụ: Nếu người đồng sáng lập nào rời bỏ công ty:
– Trong năm đầu tiên (năm cliff vesting), họ sẽ ra đi với 0% cổ phần/ phần vốn góp. Vì, người đồng sáng lập phải hoàn thành nghĩa vụ và gắn bó hết 1 năm thì quyền mới phát sinh hiệu lực.
– Trong năm thứ 2, họ sẽ ra đi với 25% cổ phần.
– Trong năm thứ 3, họ sẽ ra đi với 37,5% cổ phần.
– Trong năm thứ 4, họ sẽ ra đi với 50% cổ phần.
  • Những vi phạm nào từ người đồng sáng lập có thể dẫn đến hệ quả buộc người đó phải rời khởi Startup? Quyền lợi của của người đồng sáng lập thì điều này xảy ra là gì?
  • Người đồng sáng lập có bị chấm dứt vai trò điều hành Startup hay không? Khi nào? Chủ thể nào có thẩm quyền làm điều này?

6. Quyền đối với ý tưởng và quyền Sở hữu trí tuệ

7. Bảo mật thông tin khi dự án tồn tại lẫn khi kết thúc 

(Hai nội dung này sẽ được LTL Consultant phân tích rõ trong loạt bài sau.)

LTL Consultant ở đây để hỗ trợ Quý doanh nghiệp, các khởi nghiệp (Startup) trẻ tìm kiếm các giải pháp ngăn ngừa rủi ro nhằm tiết kiệm chi phí, kết nối một Cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh và cùng nhau phát triển, cất cánh.

Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ miễn phí. Chúng tôi muốn được giúp đỡ các bạn, quý Doanh nghiệp và trao đi những giá trị thật sự.

(Còn tiếp…)

Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư

Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL

HOTLINE: 090.145.1945

Mail: tuvanltl@gmail.com

One Reply to “Legal for Startup 3 – Các nội dung cần có trong thỏa thuận của các đồng sáng lập”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *