Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh có cần công chứng ?

Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh có cần công chứng ?

Khi tiến hành kinh doanh, một trong những nhu cầu cơ bản của cá nhân/doanh nghiệp là tìm kiếm một mặt bằng phù hợp để tiến hành hoạt động. Vì vậy, giao dịch thuê mặt bằng kinh doanh diễn ra phổ biến trong đời sống. Khi tiến hành giao kết hợp đồng thuê mặt bằng, hợp đồng thuê mặt bằng để kinh doanh sẽ bị điều chỉnh bởi nhiều quy định bao gồm các quy định về công chứng giao dịch, hợp đồng. Bài viết này, sẽ làm rõ quy định về công chứng hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở 2014:

“2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bất động sản 2014:

“2. Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.”

Từ các quy định trên, hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh không bắt buộc phải công chứng. Việc không công chứng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng. Nói cách khác, đối với hợp đồng thuê mặt bằng sẽ không bị tuyên bố vô hiệu vì lý do không công chứng.

Tuy nhiên, đối với trường hợp bạn có nhu cầu giao kết hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh, thì bạn cần lưu ý những vấn đề cơ bản như sau trong nội dung hợp đồng:

Thứ nhất, đảm bảo các nội dung về: Thông tin các bên, đối tượng của hợp đồng, giá thuê và thời hạn thuê, thời điểm và phương thức thanh toán, các chế tài xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng, chấm dứt hợp đồng thuê, quyền và nghĩa vụ của các bên được soạn thảo một cách đầy đủ, chi tiết nhất có thể. Điều này sẽ giảm bớt nguy cơ phát sinh tranh chấp sau này.

Thứ hai, thỏa thuận rõ ràng về mục đích thuê mặt bằng. Trong trường hợp, bạn muốn thuê mặt bằng để tiến hành kinh doanh, bạn cần đảm bảo có một điều khoản quy định rõ ràng, chi tiết về điều khoản mục đích thuê mặt bằng. Điều này là rất quan trọng và cần thiết với bên thuê. Bởi vì, khi thỏa thuận rõ ràng, mục đích cho thuê thì sẽ tránh trường hợp xảy ra tranh cãi, đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Cụ thể, tại Điểm c Khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở 2014 quy định như sau:

“2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: c) Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;

Trong trường hợp, các bên không thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về mục đích thuê của mặt bằng sẽ có nguy cơ xảy ra tranh chấp, dẫn đến bên cho thuê đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại đến bên cho thuê.

Thứ ba, cho dù đối tượng của hợp đồng là mặt bằng có tính pháp lý đầy đủ, thì các bên cần đến khảo sát thực tế, nhằm phục vụ cho việc ra quyết định giao kết hợp đồng. Điều này tránh trường hợp, tình trạng của mặt bằng được thể hiện trên giấy tờ hoàn toàn khác so với thực tế.

Như vậy, hợp đồng thuê mặt bằng để kinh doanh không nhất thiết phải công chứng theo quy định pháp luật đã nêu trên. Đồng thời, khi tiến hành giao kết hợp đồng thuê mặt bằng cần có những lưu ý như trên nhằm loại bỏ những rủi ro pháp lý.

https://tuvanltl.com/mau-thay-doi-dia-chi-ho-kinh-doanh/

Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline0902.990.954
Emailinfotuvanltl@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *