Chủ doanh nghiệp tư nhân có những quyền đặc thù gì?
So với chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên của các loại hình doanh nghiệp khác, thì quyền hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân lớn hơn rất nhiều. Điều này xuất phát từ thực tế, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân thành lập và làm chủ. Trong bài viết này, sẽ tìm hiểu những quyền hạn đặc thù của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định tại Chương VII Luật doanh nghiệp 2014 thì chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân có những đặc quyền sau đây:
Thứ nhất, chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật mặc định của doanh nghiệp tư nhân. Đây là quy định bắt buộc của pháp luật, không cho phép tùy nghi theo từng doanh nghiệp. Nếu như trong công ty cổ phần hay công ty TNHH, việc xác định người đại diện theo pháp luật còn phải căn cứ vào điều lệ của công ty. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chỉ cần xác định chủ sở hữu là ai, thì sẽ xác định được người đại diện theo pháp luật.
Thứ hai, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định đối với tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Các hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp tư nhân như giao kết hợp đồng, huy động tài chính, tăng hay giảm vốn đầu tư đều do chủ sở hữu quyết định. Sở dĩ, có đặc thù này là vì doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân thành lập. Trong nội bộ của doanh nghiệp tư nhân, không có cá nhân/cơ quan nào có quyền giám sát hay điều chỉnh hành vi của chủ sở hữu.
Thứ ba, chủ sở hữu thay mặt doanh nghiệp tư nhân về mặt đối ngoại, tham gia quan hệ với bên thứ ba. Điều này, thể hiện rõ nhất trong quan hệ giao dịch hay quan hệ tố tụng tại Tòa án và Trọng tài. Nếu như trong các loại hình doanh nghiệp khác khi giao kết hợp đồng với cá nhân/tổ chức, thì doanh nghiệp đó tham gia với tư cách là tổ chức chịu trách nhiệm độc lập. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân thì thực chất là đang giao kết với chủ sở hữu của nó. Tương tự, khi doanh nghiệp tư nhân bị cá nhân/tổ chức khác khởi kiện hay doanh nghiệp tư nhân khởi kiện cá nhân/tổ chức khác tại Tòa án hay Trọng tài thì chủ sở hữu sẽ tham gia với tư cách là nguyên đơn, bị đơn trong vụ án đó. Đây là nội dung được quy định tại Khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014:
“3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.”
Thứ tư, chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân. Điều này có thể hiểu nôm na như sau: không phân biệt vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân là bao nhiêu, chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm trên toàn bộ tài sản của mình. Nếu như trong công ty cổ phần hay TNHH, các cổ đông/người góp vốn luôn có một “tấm lá chắn” là chịu trách nhiệm giới hạn trong phạm vi cổ phần/phần vốn góp. Điều này, giúp bảo vệ tài sản của cổ đông/người góp vốn trong trường hợp công ty bị phá sản, kiệt quệ tài chính. Nhưng đối với doanh nghiệp tư nhân thì điều này không tồn tại. Các chủ nợ hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ sở hữu đưa tài sản riêng để thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, không có ranh giới giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân.
Trên đây là những quyền hạn mang tính chất đặc thù của chủ doanh nghiệp tư nhân. Những quyền hạn này xuất phát từ các quy định của pháp luật cũng như những đặc điểm pháp lý của loại hình doanh nghiệp tư nhân.
https://tuvanltl.com/legal-for-startup-5-khoi-nghiep-nen-lua-chon-loai-hinh-doanh-nghiep-nao/
Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.
Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline: 0902.990.954
Email: infotuvanltl@gmail.com