Đặc điểm của Quyền tác giả như thế nào?
Luật sở hữu trí tuệ ra đời như một công cụ hữu ích tạo ra cơ chế bảo vệ các quyền cơ bản từ hoạt động tư duy sáng tạo. Một trong số đó có thể nhắc đến quyền tác giả được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
1.Khái niệm quyền tác giả
Theo quy định trên: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Nói một cách dễ hiểu, sản phẩm của quá trình tư duy được thể hiện dưới hình thức một tác phẩm thì người sáng tác ra tác phẩm đó sẽ có quyền tác giả được bảo hộ theo quy định pháp luật nếu không rơi vào các trường hợp Điều 15 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
2.Đặc điểm quyền tác giả
– Thứ nhất, chủ thể của quyền tác giả là các tổ chức, cá nhân, bao gồm: cá nhân sáng tạo ra tác phẩm (tác giả, đồng tác giả) hoặc tổ chức, cá nhân được sở hữu tác phẩm thông qua việc chuyển giao quyền tác giả (chủ sở hữu quyền tác giả) (Điều 13, từ Điều 37 đến Điều 42 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009).
– Thứ hai, đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) liệt kê các loại hình tác phẩm: ““Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu”.
– Thứ ba, quyền tác giả chỉ được bảo hộ về hình thức, không bảo hộ về nội dung. Tức là khi một tác phẩm được định hình dưới một hình thức nhất định thì quyền tác giả phát sinh. Cụ thể Khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2006/NĐ-CP: “ Định hình là sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt”.
– Thứ tư, quyền tác giả phải có tính nguyên gốc, tức là tác phẩm được sáng tạo là quá trình tư duy trí tuệ của tác giả mà không qua sao chép tác phẩm khác. Bởi việc thực hiện hành vi sao chép tác phẩm là xâm phạm đến quyền tác giả của tác phẩm được sao chép. (Khoản 3 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009)
– Thứ năm, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả. Điều 15 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) liệt kê nhóm các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ như: tin tức thời sự, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động,…Sở dĩ chúng không được bảo hộ bởi đó là các đối tượng cần được phổ biến, phổ cập cho cộng đồng; giúp cộng đồng có thêm hiểu biết, thông tin cần thiết, mặc khác trên cơ sở đó tạo cơ hội sáng tạo ra những tác phẩm có thể được bảo hộ và hơn hết việc Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân phải trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng.
Trên đây là một số quy định chung liên quan đến Đặc điểm của Quyền tác giả nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.
Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL.
Hotline: 0902.990.954
Email: infotuvanltl@gmail.com
One Reply to “Đặc điểm của Quyền tác giả”