Legal for Startup 7 – Tầm quan trọng của Hợp đồng trong giao dịch đối với Startup
Khi vận hành hoạt động kinh doanh, chắc hẳn các Startup và Doanh nghiệp nào cũng đều có nhu cầu giao kết các hợp đồng với đối tác khách hàng (Hợp đồng cung ứng, hợp đồng mua bán…) hay các hợp đồng trong nội bộ doanh nghiệp (hợp đồng lao động, các thỏa thuận bảo mật…). Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có kiến thức và kỹ năng thiết lập hợp đồng đúng theo quy định và đa phần sẽ lựa chọn phương án sử dụng các hợp đồng mẫu được cung cấp trên các trang mạng như một nguồn tham khảo nhằm tiết kiệm chi phí.
Phương án này liệu có phải là tối ưu và thật sự hiệu quả, giúp ngăn ngừa các rủi ro pháp lý cho Startup/ Doanh nghiệp? Trước tiên, cần hiểu hợp đồng là gì và tính phức tạp của nó thể hiện ở đâu. LTL Consultant sẽ giúp các bạn hình dung tổng quát như sau:
Hợp đồng là gì?
Theo quy định tại Điều 385 Bộ Luật dân sự 2015:
“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”
Hợp đồng theo quy đinh hiện hành đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm: Hợp đồng dân sự, Hợp đồng thương mại, Hợp đồng đầu tư, Hợp đồng kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng lao động…
Liên quan đến hợp đồng và việc giao kết, thực hiện hợp đồng, bạn cần quan tâm đến các vấn đề cốt lõi như sau:
1. Về giao kết hợp đồng:
- Nguyên tắc giao kết: tự do, tự nguyện, không vi phạm điều cấm của quy định pháp luật, không trái với đạo đức xã hội; thiện chí, trung thực, không phương hại đến lợi ích của quốc gia.
- Đề nghị giao kết: thể hiện rõ ý định giao kết và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên được đề nghị
- Thông tin trong giao kết: đảm bảo giữ bí mật thông tin, trách nhiệm của các bên khi có được những thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên còn lại
- Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: Về nguyên tắc, sự chấp nhận giao kết hợp đồng phải được thể hiện rõ ràng, nhưng nếu các bên có thỏa thuận hoặc theo thói quen mà các bên coi sự im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng thì cũng phải được xem xét thừa nhận; các bên cần thỏa thuận về thời hạn trả lời chấp thuận giao kết hợp đồng một cách cụ thể. Trong trường hợp bên đề nghị (bên được đề nghị) chết, mất năng lực hành vi dân sự thì xử lý thế nào.
- Thời điểm giao kết: Đây chính là thời điểm hợp đồng có hiệu lực, có ý nghĩa ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên nên rất quan trọng và cần được thỏa thuận một cách kỹ càng.
- Nội dung: các bên có quyền thỏa thuận về nội dung của hợp đồng, cần thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp.
- Điều kiện giao dịch chung của hợp đồng: Đây là một quy định hoàn toàn mới của Bộ Luật dân sự 2015, được hiểu là những quy định do bên đề nghị giao kết công bố áp dụng chung cho các bên tham gia hợp đồng. Ví dụ: Điều kiện cấp tín dụng, điều kiện cấp thanh toán của ngân hàng…
2. Hiệu lực của hợp đồng:
Cần xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm nào, Hợp đồng vô hiệu trong trường hợp nào. Đây là một điều khoản quan trọng vì liên quan đến việc xác định thời điểm nào và bên nào phải chịu trách nhiệm pháp lý/ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có) cho mình gây ra.
3. Hình thức của hợp đồng
Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quy định về hình thức của hợp đồng trong phần các quy định chung, vì hợp đồng chỉ là một giao dịch dân sự, và hình thức của giao dịch dân sự đã được quy định cụ thể trong phần giao dịch dân sự. Việc sửa đổi này là hợp lý, bởi lẽ hình thức của hợp đồng chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài của nội dung hợp đồng, sự thỏa thuận của các bên và sự ràng buộc về quyền, nghĩa vụ mà các bên tự đặt ra đối với mình cũng như với phía đối tác mới là điều quan trọng. Đây là một điểm mới của mà các Startup và Doanh nghiệp cần chú ý khi thiết lập hợp đồng. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, hợp đồng được giao kết bằng văn bản và nếu có yêu cầu đảm bảo về mặt hình thức như công chứng, hoặc làm chứng của bên thứ ba thì giá trị pháp lý, chứng cứ mạnh hơn.
4. Chấm dứt hợp đồng
Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015, các quy định về chấm dứt hợp đồng đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến các trường hợp hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện, trong trường hợp tài sản bị hư hỏng, bị mất, đơn phương chấm dứt hơp đồng…
5. Thời hiệu khởi kiện hợp đồng
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Toàn giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm kể từ thời điểm người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Trên đây, LTL Consultant chỉ phân tích một vài điểm cơ bản liên quan đến việc giao kết hợp đồng dân dự nói chung theo quy định hiện hành. Từ đó cho thấy, việc giao kết hợp đồng với đối tác kinh doanh cũng như nội bộ doanh nghiệp là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi chuyên môn cao và phải mang tính chất ngăn ngừa trước tiên. Nếu để xảy ra tranh chấp sẽ khiến cho doanh nghiệp thiệt hại rất to lớn về mặt thời gian, công sức, chi phí để theo đuổi sự vụ. Điều này còn đặc biệt khó khăn đối với các Startup với nguồn vốn ít ỏi khi khởi sự kinh doanh. Một hợp đồng soạn thảo tùy tiện không phù hợp với tình hình kinh doanh của Doanh nghiệp/ Startup sẽ mang đến rất nhiều hậu quả khôn lường.
Cần lưu ý rằng những tờ giấy ghi chữ “Hợp đồng” chính là một trong những văn bản bạn sẽ nhìn thấy nhiều nhất khi bước vào hoạt động công ty hay mang nó ra ngoài thương trường. Những công ty thành công luôn biết và có sẵn những mẫu hợp đồng dành riêng cho công ty mình.
LTL Consultant ở đây để hỗ trợ Quý doanh nghiệp, các khởi nghiệp (Startup) trẻ tìm kiếm các giải pháp ngăn ngừa rủi ro nhằm tiết kiệm chi phí, kết nối một Cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh và cùng nhau phát triển, cất cánh.
Trên đây à một số ý kiến phân tích nhằm mục đích tham khảo của LTL Consultant. Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí cho trường hợp của mình. Chúng tôi muốn được giúp đỡ các bạn, quý Doanh nghiệp và trao đi những giá trị thật sự.
(Còn tiếp…)
Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư
Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL
HOTLINE: 090.145.1945
Mail: tuvanltl@gmail.com
One Reply to “Legal for Startup 7 – Tầm quan trọng của Hợp đồng trong giao dịch đối với Startup”