Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), mặc dù bảo hộ sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách xã hội. Song, Việt Nam lại rất tích cực tham gia các cam kết liên quan sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, từ năm 1949, Việt Nam đã tham gia công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa. Đến năm 1976 Việt Nam ký kết gia nhập WIPO; ký kết Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả với Hoa Kỳ năm 1997; Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (năm 1999); Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (năm 2000). Năm 2004, Việt Nam gia nhập trở thành thành viên của công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Thụy Sĩ (năm 1886) và Chủ tịch Nước đã ký quyết định gia nhập công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được thông qua tại Italy (năm 1961). Theo cam kết tại các hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sĩ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập công ước Geneva công ước Brussels và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS (hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ).
Đặc biệt, kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được QH thông qua năm 2005, hoạt động sở hữu trí tuệ đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam liên quan sở hữu trí tuệ đã tăng lên đáng kể, trung bình mỗi năm tăng khoảng 10%. Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, riêng năm 2014 đã tiếp nhận khoảng 83.436 đơn, trong đó có 4.447 đơn sáng chế, 373 đơn giải pháp hữu ích, 2.311 đơn kiểu dáng công nghiệp, 33.064 đơn nhãn hiệu quốc gia và 106 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. TP Hồ Chí Minh có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nhiều nhất với gần 12.000 đơn; đứng thứ 2 là Hà Nội, khoảng 7.600 đơn.
Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Ngọc Lâm cho biết, hiện nay nếu so với yêu cầu của TRIPS thì về cơ bản hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành là văn bản pháp lý cao nhất thay thế toàn bộ các nghị định và văn bản hướng dẫn về từng lĩnh vực của sở hữu trí tuệ trước đó, đồng thời cũng thống nhất và tập hợp các quy định riêng lẻ vào trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tăng
Đánh giá về quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, hầu hết các nhà khoa học cho rằng, bên cạnh việc chúng ta có một hệ thống pháp lý chặt chẽ, nhưng tình trạng vi phạm luật sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn gia tăng. Theo báo cáo của thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ trong hai năm 2013 – 2014, lực lượng thanh tra toàn quốc đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm bản quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… với tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng. Đồng thời cơ quan chức năng cũng đã buộc loại bỏ, tiêu hủy hàng trăm nghìn sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghệ, cạnh tranh không lành mạnh; tiêu hủy hàng chục nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu vỏ hộp, tem vi phạm…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này một mặt là do sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp về hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Thực tế cho thấy, chỉ đến khi sản phẩm của họ bị giả mạo, ảnh hưởng đến thương hiệu, lợi nhuận thì mới đi đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, hiện mức phạt cao nhất với doanh nghiệp vi phạm là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng. Mức phạt này được cho là chưa đủ nặng để răn đe, chính vì vậy có trường hợp phạt xong lại vi phạm tiếp.
https://tuvanltl.com/tra-cuu-nhan-hieu-quoc-te/
Trên đây là một số thông tin liên quan đến Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.
Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL.
Hotline: 0902.990.954
Email: infotuvanltl@gmail.com