NHỮNG CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG CÓ HIỆU LỰC TỪ 01/8/2016

Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng; cách tính lương mới đối với cán bộ, công chức; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng trợ cấp với thanh niên xung phong; hệ số lương của người quản lý… là những quy định mới sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 8/2016.
  1. Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng

Nghị định 55/2016/NĐ-CP cho phép tăng lương hưu, trợ cấp được tính trên nền mức lương cơ sở đã tăng lên mức 1.210.000 đồng một tháng. Nâng mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng của nhóm đối tượng thu nhập thấp lên mức 2.000.000 đồng một người.

Nghị định 55/2016/NĐ-CP cũng quy định khá chi tiết mức hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng của người lao động, từ cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân, công an nhân dân… đến người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

2. Trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến

Theo Quyết định 24/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng, những người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen của Thủ tướng; bằng khen của cấp bộ, cấp tỉnh sẽ được hưởng trợ cấp một lần theo mức sau:

Người được tặng Bằng khen của Thủ tướng là 1.815.000 đồng; người được tặng Bằng khen của cấp bộ, cấp tỉnh là 1.210.000 đồng.

Người có bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần này thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp theo mức như trên.

3. Tăng trợ cấp với thanh niên xung phong

Mức trợ cấp đối với thanh niên xung phong sẽ được điều chỉnh tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 01/01/2016.

Ngoài ra, thanh niên xung phong từ trần kể từ ngày 01/01/2016 nhưng chưa được điều chỉnh trợ cấp như trên thì người tổ chức mai táng sẽ được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch do điều chỉnh trợ cấp kể từ ngày 01/01/2016 đến tháng thanh niên xung phong từ trần (số tiền chênh lệch mỗi tháng là 180.000 đồng).

Quyết định 29/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, có hiệu lực từ ngày 20/8/2016.

4. Quy định hệ số lương của người quản lý

Với những người quản lý công ty Nhà nước không chuyên trách, thù lao được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách; đối với người quản lý công ty được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty.

Đối với tập đoàn kinh tế, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách từ 8,80 – 9,10; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 8,50 – 8,80; Kế toán trưởng là 7,76 – 7,90….

Với tổng công ty đặc biệt, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 8,20 – 8,50; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,85 -8,20; Kế toán trưởng là 7,00 – 7,33.

Với tổng công ty và tương đương, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 7,78 – 81,12; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,45 – 7,78; Kế toán trưởng là 6,64 – 6,79…

Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016. Các chế độ được áp dụng từ ngày 01/01/2016.

5. Tuyển dụng vượt quá kế hoạch, giám đốc không được tăng lương

Từ 01/8/2016, công ty TNHH một thành viên Nhà nước phải đảm bảo tổng số lao động theo kế hoạch trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường không được vượt quá 5% so với số lao động thực tế đã sử dụng bình quân của năm trước liền kề.

Trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm và không được thưởng, không được tăng lương, kéo dài thời gian nâng lương, giảm mức tiền lương. Đây cũng là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý.

Nghị định 51/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHHMTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ ngày 01/8/2016.

6. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đối tượng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP) sẽ được nhận hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo hướng dẫn mới như sau: Đào tạo nghề theo chi phí thực tế; Đào tạo ngoại ngữ theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học;

Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học; Tiền ăn trong thời gian đào tạo: mức 40.000 đồng/người/ngày;

Chi phí đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú hợp pháp đến địa Điểm đào tạo: mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa Điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cách địa Điểm đào tạo từ 10 km trở lên;

Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện một số Điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016.

Nguồn “Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH”

 

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL.
Hotline0902990954
Emailinfo@tuvanltl.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *