Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là gì?

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là gì?

Nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng để hỗ trợ dân số, nhằm thúc đẩy sự phát triển  kinh tế quốc gia là một nhu cầu có thực của Chính phủ các nước đang phát triển xuất phát từ thách thức đô thị hóa và dịch vụ công cộng. Việt Nam không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn hẹp thì hình thức đối tác công tư được xem là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề.

Vậy đầu tư theo hình thức đối tác công tư là gì? LTL Consultants sẽ khái quát trong một số nội dung sau đây.

I. Thế nào là hình thức đầu tư theo đối tác công tư?

Tại Điều 27, 28, 29 Luật đầu tư 2015 đã có khái quát về khái niệm này. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ làm rõ về điều kiện, thủ tục thực hiện cũng như cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư như thế nào. Do vậy, Nghị định 15/2015/NĐ-CP đã ra đời ngay sau đó để tháo gỡ và điều chỉnh.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ-CP đã định nghĩa như sau:

1. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Theo đó, đối tác công tư được dịch theo nghĩa Tiếng Anh của cụm từ “Public Private Partner” – viết tắt là PPP. Nhà nước bao gồm Chính phủ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài (có thể là cá nhân hoặc tổ chức có chuyên môn về kỹ thuật, tài chính).

II. Các loại hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Theo quy đinh pháp luật hiện hành, có 7 hình thức đầu tư đối tác công tư như sau:

Chuyển giao sau giai đoạn kinh doanh:

BOT – Build Operate Transfer (Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao)

  • Là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng;
  • Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định;
  • Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Hợp đồng này thường được áp dụng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, thủy lợi.

BLT – Build Lend Transfer (Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao)

  • Là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng;
  • Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định;
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định này;
  • Hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Hợp đồng này thường được áp dụng trong lĩnh vực cho thuê cầu cảng, container, sân bay, đường sắt.

Chuyển giao sau khi xây dựng:

BTO – Build Transfer Operate  (Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh)

  • Là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng;
  • Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

BTL – Build Transfer Lend (Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ) 

  • Là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng;
  • Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định;
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
  • Hợp đồng này thường được áp dụng trong lĩnh vực sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng công trình.

BT  – Build Transfer (Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao)

  • Là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng;
  • Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác theo các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 14 và Khoản 3 Điều 43 Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
  • Nhà đầu tư không được kinh doanh, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện những dự án khác để thu hồi vốn và lợi nhuận hoặc thanh toán cho Nhà đầu tư theo thỏa thuận của hợp đồng.

Không yêu cầu chuyển giao và có nguồn thu phí từ người sử dụng

BOO – Building Owner Operation – Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh

  • Là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng;
  • Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

Hợp đồng quản lý và thu phí từ người sử dụng

O&M – Operate & Manage (Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý)

  • Là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.
  • Chính phủ sẽ cung cấp vốn để đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng ban đầu cho dự án.
  • Các đối tác tư nhân cung cấp dịch vụ, bỏ các chi phí thực hiện hoạt động liên quan đến dự án và được thanh toán một khoản phí theo một tỷ lê nhất định cho lao động và điều hành.
  • Thường được áp dụng đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng.

III. Các lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2015/NĐ-CP, các lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư là các Dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc dịch vụ công gồm:

  • Công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ có liên quan;
  • Hệ thống chiếu sáng; hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư; nghĩa trang;
  • Nhà máy điện, đường dây tải điện;
  • Công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao và các dịch vụ liên quan; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước;
  • Công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; ứng dụng công nghệ thông tin;
  • Công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
  • Các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

IV. Ưu và nhược điểm của hình thức đầu tư đối tác công tư

Về ưu điểm:

  • Giảm tải gánh nặng và rủi ro cho ngân sách của các nước đang phát triển. 
  • giúp giải quyết vấn đề kém hiệu quả đối với các dự án cần sự vận hành hiệu quả. Việc tham gia của tư nhân dẫn đến sự sáng tạo, trách nhiệm giải trình sẽ được minh bạch hơn.

Về nhược điểm:

  • Nhược điểm lớn nhất của hình thức đầu tác công tư PP là chi phí quá lớn, dẫn đến tính rủi ro thu hồi vốn cao.
  • Cơ chế tài chính, phân chia trách nhiệm, xác định mức thu phí hay trợ cấp của nhà nước là vô cùng phức tạp, có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Trên đây là một số ý kiến phân tích nhằm mục đích tham khảo của LTL Consultant. 

Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư

Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL

HOTLINE: 090.145.1945

Mail: tuvanltl@gmail.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *