Điều kiện mở trung tâm giáo dục đặc biệt
Điều kiện mở trung tâm giáo dục đặc biệt hay chính là điều kiện thành lập và hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được quy định tại Thông tư liên tịch 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH. Cũng giống như các hoạt động giáo dục khác, trung tâm giáo dục đặc biệt cũng phải trải qua quy trình xem xét, quyết định theo cơ chế cho phép thành lập, cho phép hoạt động.
Cụ thể, điều kiện của mỗi bước như sau:
Điều 7. Điều kiện thành lập Trung tâm
Trung tâm được thành lập khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có đề án thành lập Trung tâm, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ;
2. Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của địa phương;
3. Có trụ sở làm việc hoặc đề án quy hoạch cấp đất xây dựng trụ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.
Điều 8. Điều kiện hoạt động của Trung tâm
Trung tâm được phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau:
1. Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
2. Cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật:
a) Trụ sở, phòng làm việc của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên;
b) Phòng học, phòng chức năng tương ứng để thực hiện các hoạt động của Trung tâm;
c) Khu nhà ở cho học sinh đối với Trung tâm có người khuyết tật nội trú;
d) Phương tiện, thiết bị, công cụ sử dụng cho đánh giá, can thiệp, dạy học, hướng nghiệp, dạy nghề;
e) Tài liệu chuyên môn, tài liệu hỗ trợ bảo đảm thực hiện các hoạt động của Trung tâm.
3. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật
a) Giám đốc Trung tâm phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt hoặc tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có hiểu biết về đặc điểm phát triển của người khuyết tật, về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục cho người khuyết tật;
b) Giáo viên có trình độ trung cấp trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục người khuyết tật;
c) Nhân viên hỗ trợ giáo dục được tập huấn về giáo dục người khuyết tật.
4. Nội dung chương trình giáo dục và tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật, gồm:
a) Nội dung chương trình, tài liệu về giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật thuộc các dạng tật;
b) Nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng về giáo dục người khuyết tật thuộc các dạng tật;
c) Tài liệu tư vấn về việc lựa chọn các phương thức giáo dục phù hợp với dạng và mức độ tật của người khuyết tật.
Để chứng minh cơ sở của mình đáp ứng các điều kiện trên, doanh nghiệp cần chuẩn bị, tập hợp các hồ sơ minh chứng kèm theo liên quan đến cơ sở vật chất, giáo viên, nhân sự trung tâm, nội dung chương trình giáo dục có phương pháp phù hợp theo quy định. Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp phép sau khi xem xét theo trình tự được quy định tại thông tư trên.
Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.
Đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí cho từng trường hợp cụ thể.
Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư
Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL
HOTLINE: 090.145.1945
Mail: tuvanltl@gmail.com