Công chức có được kinh doanh hộ cá thể?
Cùng với cán bộ và viên chức, công chức là một đối tượng chịu sự quản lý đặc biệt của Nhà nước. Hiện nay, một số công chức có nhu cầu vừa tiến hành kinh doanh với hình thức là hộ kinh doanh vừa công tác tại cơ quan nhà nước. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu rằng công chức có được thành lập hộ kinh doanh hay không?
Trước hết cần phải hiểu về khái niệm công chức. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008:
“2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
Công chức thuộc diện bị cấm tham gia các hoạt động thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014:
“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;”
Tuy nhiên, đối với hình thức kinh doanh là hộ kinh doanh cá thể, thì Nghị định 78/2015/NĐ-CP không có quy định về việc cấm công chức thành lập hộ kinh doanh.
Để tìm câu trả lời xác đáng, cần tìm hiểu quy định tại Luật cán bộ, công chức 2008. Theo quy định tại Điều 20 Luật cán bộ, công chức 2008:
“Điều 20. Những việc khác cán bộ, công chức không được làm
Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”
Như vậy, công chức thuộc đối tượng bị cấm thực hiện các công việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Sở dĩ, có quy định này, vì ý chí của các nhà làm luật Việt Nam muốn công chức tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó, tránh các hiện tượng xấu như quan liêu, tham nhũng.
Đồng thời, như đã nói ở trên, công chức là một đối tượng chịu sự quản lý đặc biệt từ Nhà nước. Cho nên khác với một người dân bình thường, ngoài các quy định pháp luật, công chức còn phải chịu sự điều chỉnh của các quy phạm khác như nội quy cơ quan nhà nước, Điều lệ Đảng.
Như vậy, công chức là đối tượng bị hạn chế quyền tự do kinh doanh ngay cả đối với hình thức hộ kinh doanh. Nếu bạn thuộc trường hợp là công chức, bạn cần tìm hiểu các quy định nhằm tránh trường hợp bị xử phạt, kỷ luật không đáng có.
https://tuvanltl.com/cua-hang-co-tu-cach-phap-nhan-hay-khong/
Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.
Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline: 0902.990.954
Email: infotuvanltl@gmail.com