Tại sao công ty tư nhân không có tư cách pháp nhân?

Tại sao công ty tư nhân không có tư cách pháp nhân ?

Công ty tư nhân là tên gọi nôm na của doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp tư nhân là loại hình duy nhất không có tư cách pháp nhân. Điều này, dẫn đến nhiều câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?. Bài viết này nhằm mục đích giải thích lý do tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, bởi vì không đáp ứng đầy đủ những điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
  • b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
  • c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Thứ nhất, về điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn đáp ứng. Bởi vì, doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Pháp luật hoàn toàn cho phép cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân để tham gia thị trường, tiến hành kinh doanh.

Thứ hai, có cơ cấu tổ chức rõ ràng. Ở điều kiện này, tùy vào sự tổ chức, sắp xếp của chủ sở hữu mà doanh nghiệp tư nhân có cơ cấu tổ chức hay phòng ban rõ ràng hay không. Bởi vì, Luật doanh nghiệp 2014 không quy định về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân mà trao quyền cho chủ sở hữu. Như vậy, so với công ty cổ phần hay công ty TNHH thì cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân thực sự không rõ ràng, được tổ chức theo ý muốn của chủ sở hữu. Cho nên về điều kiện này, doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng.

Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác. Ở trong doanh nghiệp tư nhân không có sự rõ ràng, tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Điều này, thể hiện rõ qua những quy định về đăng ký vốn đầu tư cũng như việc tăng, giảm vốn đầu tư tại  Điều 184 Luật doanh nghiệp 2014:

Điều 184. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp

  1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
  2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
  3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Đối với trường hợp quyết định tăng hay giảm vốn, nếu như trong công ty TNHH hay công ty cổ phần cần trải qua một quy trình theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Tuy nhiên, trong doanh nghiệp tư nhân thì việc đó trong nhiều trường hợp không cần trải qua quy trình như trên mà phụ thuộc nhiều vào ý muốn của chủ sở hữu. Ví dụ: anh A là chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân B, vốn đầu tư ban đầu là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 2 tháng kinh doanh anh A quyết định tăng vốn đầu tư lên 1 tỷ đồng. Để thực hiện, việc này anh A chỉ cần yêu cầu bộ phận kế toán ghi chép đầy đủ vào sổ sách kế toán của công ty mà không cần thông báo với cơ quan nhà nước. Như vậy, ta thấy trong doanh nghiệp tư nhân, ở thời điểm này vốn đầu tư là 500 triệu đồng, tuần sau vốn đầu tư đã lên đến 1 tỷ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, sự tách bạch và độc lập trong tài sản của doanh nghiệp tư nhân là không có. Vì vậy, về điều kiện này, doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng.

Thứ tư, điều kiện nhân danh mình để trực tiếp tham gia quan hệ pháp luật. Có thể kết luận rằng, doanh nghiệp tư nhân không thể tự nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập, chính danh, đặc biệt trong quan hệ tố tụng. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014:

3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

Như vậy, tính độc lập, chính danh của doanh nghiệp tư nhân khi tham gia quan hệ tố tụng là không tồn tại. Khi xảy ra tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài, chủ thể tham gia tố tụng là chủ doanh nghiệp tư nhân chứ không phải doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ: Nếu công ty cổ phần hay TNHH bị ai đó khởi kiện, thì họ có thể tham gia vụ tranh chấp đó dưới tư cách là tổ chức. Còn nếu như doanh nghiệp tư nhân bị khởi kiện, thì người tham gia tố tụng sẽ là chủ doanh nghiệp tư nhân chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân.

Trong 4 điều kiện để công nhận là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân đã không đáp ứng 3 điều kiện. Mà để công nhận là pháp nhân, cần phải đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện trên. Như vậy, có thể khẳng định rằng: doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015.

https://tuvanltl.com/von-dieu-le-cua-doanh-nghiep-tu-nhan/

Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu tư LTL.
Hotline0902.990.954
Emailinfotuvanltl@gmail.com

One Reply to “Tại sao công ty tư nhân không có tư cách pháp nhân?”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *