Người lao động cần biết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Người lao động cần biết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong một nền kinh tế với chất lượng lao động được đánh giá không được cao như hiện nay thì người lao động rất khó để giữ vị thế cân bằng và luôn phải chịu sự phụ thuộc, quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Với những quy định hiện hành, pháp luật lao động đã dần điều chỉnh, tạo nên mối quan hệ lao động bình đẳng, hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Trước khi cơ quan có thẩm quyền can thiệp, người lao động – nhất là các lao động phổ thông, lao động trình độ thấp cần có một sự hiểu biết nhất định về pháp luật lao động để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong thời gian thử việc

1. Thời gian thử việc tối đa 

Căn cứ: Điều 27 Bộ luật Lao động 2012

  • Trình độ cao đẳng trở lên: 60 ngày
  • Trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân việc nghiệp vụ: 30 ngày
  • Các công việc khác: 6 ngày

Chú ý:

  • Chỉ được thử việc 1 lần cho 1 công việc
  • Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ

2. Lương thử việc ít nhất bằng 85% lương 

Căn cứ: Điều 28 Bộ luật Lao động 2012

  • Do hai bên thỏa thuận
  • Ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó

(Hình sưu tầm)

3. Kết quả thử việc phải được báo cho người lao động trong thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thử việc

Căn cứ: Điều 29 Bộ luật Lao động 2012

  • Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
  • Mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu;
  • Nếu vi phạm có thể bị phạt từ 2 – 5 triệu đồng, đồng thời buộc trả 100% tiền lương cho người lao động.

4. Không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Căn cứ: Điều 20 Bộ luật Lao động 2012

  • Vi phạm bị phạt từ 20 – 25 triệu đồng, đồng thời phải trả lại bản chính các giấy tờ này cho người lao động.

5. Yêu cầu người lao động phải nộp tiền để được ký kết hợp đồng lao động

Căn cứ: Điều 20 Bộ luật Lao động 2012

  • Vi phạm bị phạt từ 20 – 25 triệu đồng, đồng thời phải trả lại tiền cho người lao động.

(Hình sưu tầm)

Trong thời gian lao động

1. Lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiểu vùng

Căn cứ: Điều 29 Bộ luật Lao động 2012

  • Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiệu do Chính phủ quy định;
  • Theo quy định tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng hiện nay như sau:

Vùng 1: 3.750.000 đồng/tháng

Vùng 2: 3.320.000 đồng/tháng

Vùng 3: 2.900.000 đồng/tháng

Vùng 4: 2.580.000 đồng/tháng

2. Tiền lương làm thêm giờ

Căn cứ: Điều 97 Bộ luật Lao động 2012

  • Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
  •  Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
  • Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

3. Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm

Căn cứ: Điều 97 Bộ luật Lao động 2012

Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. Theo đó:

  • Vào ngày thường, ít nhất bằng 210%;
  •  Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 270%;
  • Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 490% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Trả lương không đúng mức này bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng

4. Người lao động có 10 ngày nghỉ lễ, Tết và 12 ngày phép/năm

Căn cứ: Điều 115 Bộ luật Lao động 2012

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày này

  • Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Chú ý:

  • Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ

(Hình sưu tầm)

5. Trả lương chậm trên 15 ngày phải trả thêm tiền theo lãi suất của ngân hàng

Căn cứ: Điều 96 Bộ luật Lao động 2012

  • không được chậm quá 01 tháng
  • Phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương

6. Cấm người sử dụng lao động phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động

Căn cứ: Điều 128 Bộ luật Lao động 2012

  • Vi phạm bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng, đồng thời buộc trả lại tiền hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động.

(Hình sưu tầm)

7. Không được trả lương đầy đủ hay bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Căn cứ: Điều 37 Bộ luật Lao động 2012

  • Nhưng phải báo trước 3 ngày làm việc.
  • Đồng thời, nếu người lao động đã làm việc trên 12 tháng còn được hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc là 1/2 tháng lương.

8. Chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng

Căn cứ: Điều 31 Bộ luật Lao động 2012

  • Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động: không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động;
  • Phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc;
  • Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ: được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
  • Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Các trường hợp khác

1. Phạt hành chính nếu không nhận lại người lao động đã tạm hoãn hợp đồng lao động vì lý do chính đáng

Căn cứ: Điều 32, 33 Bộ luật Lao động 2012

  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Các trường hợp tạm hoàn hợp đồng bao gồm:

  • Đi làm nghĩa vụ quân sự.
  • Bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
  • Lao động nữ mang thai.
  • Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

2. Từ ngày 1/7/2016, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự 

Căn cứ: Điều 115 Bộ luật Lao động 2012

Đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn còn vi phạm, thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Pháp nhân phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng.

(Hình sưu tầm)

3. Từ ngày 1/7/2016, sa thải người lao động vì lý do kết hôn, sinh con… có thể bị phạt đến 3 năm tù

Sa thải người lao động trong trường hợp họ KHÔNG bị xử lý kỷ luật về các hành vi:

  • Trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy ở nơi làm việc.
  • Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động.
  • Có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng, đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
  • Đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa được xóa kỷ luật.
  • Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Hoặc sa thải người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

  • Nếu việc sa thải làm cho người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn thì phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
  • Nếu việc sa thải vi phạm đối với 02 người hoặc phụ nữ mà biết là có thai, người nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc người bị sa thải tự sát thì phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

4. Không cho người lao động nữ được nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh bị phạt tiền đến 1 triệu đồng

Ngoài ra, nếu không cho lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày hoặc không đảm bảo việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản thì cũng bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

5. Chủ tịch UBND hoặc Thanh tra lao lao động là nơi người lao động có thể yêu cầu xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động

Tùy mức độ vi phạm của người sử dụng lao động mà người lao động có thể yêu cầu Chủ tịch UBND xã, huyện hoặc tỉnh, Thanh tra viên, Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh Xã hội xử lý hành vi vi phạm hành chính của người sử dụng lao động.

6. Người lao động được miễn toàn bộ án phí, lệ phí khỏi kiện người sử dụng lao động tại Toà án

Trong trường hợp người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì được miễn toàn bộ án phí, lệ phí tại Tòa án.

(Hình sưu tầm)

LTL Consultant ở đây để hỗ trợ Quý doanh nghiệp, các khởi nghiệp (Startup) trẻ tìm kiếm các giải pháp ngăn ngừa rủi ro nhằm tiết kiệm chi phí, kết nối một Cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh và cùng nhau phát triển, cất cánh.

Trên đây là một số ý kiến phân tích nhằm mục đích tham khảo của LTL Consultant. Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí cho trường hợp của mình. Chúng tôi muốn được giúp đỡ các bạn, quý Doanh nghiệp và trao đi những giá trị thật sự.

Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư

Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL

HOTLINE: 090.145.1945

Mail: tuvanltl@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *