Legal for Startup 5 – Khởi nghiệp nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào?

Legal for Startup 5: Khởi nghiệp nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào?

Để kinh doanh và khởi nghiệp, bạn không nhất thiết phải thành lập một chủ thể kinh doanh hay còn gọi là thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi hoạt động khởi nghiệp phình to, thị trường đã mở rộng và thương hiệu đã bắt đầu định hình trong tâm trí người tiêu dùng, các Startup thường xem xét đến việc thành lập một chủ thể kinh doanh để có tư cách pháp nhân trong các giao dịch hoặc huy động nguồn vốn… Trong phạm vi bài viết này, LTL Consultant sẽ đề cập một cách tổng quát các phương án mà Startup có thể lựa chọn khi muốn hợp tác, đầu tư kinh doanh và các ưu nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp nhằm giúp các Startup có thể cân nhắc lựa chọn phù hợp với nhu cầu và định hướng hoạt động của mình.

I.Hoạt động đầu tư, kinh doanh phố biến hiện nay bao gồm những hình thức nào?

  1. Thành lập hộ kinh doanh cá thể: Đây là loại hình do một cá nhân làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh chỉ phù hợp với mô hình kinh doanh có quy mô nhỏ và sử dụng ít lao động. Nếu muốn sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên hoặc muốn mở rộng quy mô kinh doanh doanh, bạn phải cân nhắc đến các phương án đầu tư, kinh doanh khác. Việc chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản khiến rủi ro đầu tư tăng lên. Ngoài ra, chế độ thuế khoán trên doanh thu (không phân biệt lời hay lỗ) cũng là một nhược điểm của loại hình này.
  2. Thành lập tổ chức kinh tế: tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm Doanh nghiệp Tư nhân, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp Danh; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã và các tổ chức khác.
  3. Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
  4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.

Mỗi hình thức luôn sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Phụ thuộc vào nhu cầu của chủ sở hữu/ các thành viên góp vốn liên quan đến các vấn đề ưu đãi về thuế, trách nhiệm cá nhân, khả năng dễ dàng sang nhượng, bổ sung chuyển đổi mà các Startup có thể lựa chọn cho mình một hình thức đầu tư, kinh doanh phù hợp.

Trong các hình thức trên, thành lập doanh nghiệp là mô hình phổ biến nhất bởi những ưu điểm vượt trội so với các hình thức đầu tư khác. 

II.Vì sao thành lập doanh nghiệp vượt trội so với các hình thức đầu tư khác?

  1. Doanh nghiệp sẽ bảo vệ các chủ sở hữu thông qua hai lợi thế quan trọng là tính chịu trách nhiệm hữu hạn và tư cách pháp nhân. Đối với các loại hình có tư cách pháp nhân, mọi tranh chấp phát sinh, khiếu kiện với đối tác (nếu có) chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp thay vì chủ sở hữu của nó. 
  2. Giúp bạn tận dụng được các ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và tiền thuê đất, các chính sách hỗ trợ khác. Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp có lãi, được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng.
  3. Khả năng huy động vốn và chuyển nhượng vốn sẽ dễ dàng và linh hoạt hơn. Pháp luật xây dựng cho các doanh nghiệp chế độ huy động vốn hết sức linh hoạt và cơ chế pháp lý vững chắc cho hoạt động này thông qua việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức để mở rộng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh trước đối thủ. Ngược lại, vì lý do khách quan hoặc chủ quan, bạn không muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh, bạn có thể chuyển nhượng vốn hoặc bán cả doanh nghiệp và rút lui một cách dễ dàng.
  4. Việc xây đựng doanh nghiệp với quy mô, hệ thống rõ ràng giúp việc quản lý sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn và uy tín trước các đối tác và khách hàng sẽ được nâng lên.

III.Các loại hình doanh nghiệp và ưu nhược điểm của mỗi loại

1.Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn

Đây là loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Thành viên của công ty TNHH của có thể là tổ chức, cá nhân.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có các đặc tính khác tương tự như Công ty TNHH một thành viên nhưng trong trường hợp này, số lượng thành viên góp vốn có thể có từ 2 người trở lên và không vượt quá 50 người

  • Ưu điểm: Số lượng thành viên không nhiều như Công ty Cổ phần tạo điều kiện cho việc điều hành và quản lý công ty không quá phức tạp; Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp; có tư cách pháp nhân; Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên dễ kiểm soát được sự thay đổi thành viên; Được phát hành trái phiếu để huy động vốn.
  • Nhược điểm: Khả năng huy động vốn hạn chế do không được phát hành cổ phiếu.

Công ty TNHH một thành viên

Đây là loại hình mà chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi vốn điều lệ. Công ty TNHH Một thành viên có tư cách pháp nhân.

  • Ưu điểm: Chịu trách nhiệm hữu hạnh trong phạm vi vốn cam kết góp nên hạn chế rủi ro; Có tư cách pháp nhân; Chủ sở hữu có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công ty; Được phát hành trái phiếu để huy động vốn.
  • Nhược điểm: Khả năng huy động vốn hạn chế do không được phát hành cổ phiếu.

2.Công ty Cổ phần

Là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia làm nhiều phần bằng nhau. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đã góp. Các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho các thành viên hay cá nhân khác.

  • Ưu điểm: Không hạn chế số lượng thành viên tối đa; Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp; Có tư cách pháp nhân; Được phát hành cổ phiếu và trái phiếu nên khả năng huy động vốn mạnh; Được tự do chuyển nhượng cổ phần theo quy định tạo tính thanh khoản cao, linh động thu hút sự hứng thú của nhà đầu tư.
  • Nhược điểm: Số lượng cổ đông không giới hạn nên việc điều hành và quản lý công ty rất phức tạp khi số lượng cổ đông phình to; Khó đưa ra quyết định nhanh chóng về các vấn đề quan trọng dựa trên việc biểu quyết trong cuộc họp của HĐQT của công ty.

3.Công ty Hợp danh

Đây là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân trong đó các cá nhân cùng nhau chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty. Ở loại hình này vừa có thành viên hợp danh (chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty) và thành viên góp vốn (chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty).

  • Ưu điểm: Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp; Có tư cách pháp nhân; Phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn thành tài sản thuộc sở hữu công ty nên tạo ra sự tách bạch giữa tài sản của thành viên và tài sản của công ty; các thành viên hợp danh đều có quyền nhân danh công ty; Công ty hoạt động dựa trên uy tín, năng lực và sự tin tưởng của các thành viên hợp danh.
  • Nhược điểm: Thành viên hợp danh chịu rủi ro lớn khi phải chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp; Khó kiểm soát được rủi ro trong điều kiện nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật của công ty; Khó ra các quyết định đầu tư lớn do thành viên cùng có quyền biểu quyết; Có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn nên khó khăn trong cơ cấu quản lý và điều hành; Việc huy động vốn khó khăn do không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

4.Doanh nghiệp tư nhân

Đây là loại hình doanh nghiệp dễ điều hành nhất do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

  • Ưu điểm: Chủ doanh nghiệp là chủ sở hữu duy nhất nên có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công ty; Không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản góp vốn của cá nhân sang cho công ty nên không làm hạn chế khả năng sử dụng tài sản góp vốn của chủ sở hữu.
  • Nhược điểm: Chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp nên rủi ro cao; Không có tư cách pháp nhân nên không tạo được độ tin cậy với đối tác.

LTL Consultant ở đây để hỗ trợ Quý doanh nghiệp, các khởi nghiệp (Startup) trẻ tìm kiếm các giải pháp ngăn ngừa rủi ro nhằm tiết kiệm chi phí, kết nối một Cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh và cùng nhau phát triển, cất cánh.

Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí cho trường hợp của mình. Chúng tôi muốn được giúp đỡ các bạn, quý Doanh nghiệp và trao đi những giá trị thật sự.

(Còn tiếp…)

Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư

Công ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL

HOTLINE: 090.145.1945

Mail: tuvanltl@gmail.com