Biện pháp dân sự trong sở hữu trí tuệ

Biện pháp dân sự trong sở hữu trí tuệ

Quy định pháp luật trước đây về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo trình tự dân sự đã cơ bản phù hợp với pháp luật quốc tế, điển hình là Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, quy định về trình tự, thủ tục dân sự trong vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu cụ thể, chế tài dân sự chỉ được quy định về nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự nên khó áp dụng trong thực tiễn.

Còn thiếu các quy định quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện trình tự dân sự có hiệu quả, như quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng để bảo đảm điều kiện khởi kiện và sự công bằng; quy định về cách xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại trong vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; quy định về hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp chủ sáng chế khởi kiện hành vi sản xuất lưu thông sản phẩm trùng với sản phẩm được sản xuất theo quy trình độc quyền của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ bằng độc quyền sáng chế.

Nhằm tăng cường hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta, đáp ứng yêu cầu thực tế, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan nhà nước trong các hoạt động thực thi quyền và nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra của TRIPS và BTA, Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung các quy định cơ bản sau đây:

Về nghĩa vụ chứng minh, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định cụ thể hoá các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền và nghĩa vụ chứng minh, cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ tranh chấp hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung quy định về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong vụ xâm phạm quyền đối với sáng chế sản phẩm mới hoặc sáng chế quy trình.

Về các biện pháp chế tài dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ quy định cụ thể các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các biện pháp buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, bao gồm thu giữ; kê biên; niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; cấm chuyển dịch quyền sở hữu; và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đặc biệt là, Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần, mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra, đồng thời bổ sung quy định về căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở cho Toà án quyết định trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hầu hết nội dung nêu trên của Luật Sở hữu trí tuệ là các quy định mới được bổ sung nhằm đáp ứng với yêu cầu của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và khắc phục các điểm bất cập trong quy định pháp luật trước đây về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo trình tự dân sự.

Ví dụ tên thương mại

Trên đây là một số thông tin liên quan đến Biện pháp dân sự trong sở hữu trí tuệ nhằm mục đích tham khảo của Tư vấn LTL.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Công Ty TNHH Tư Vấn & Đầu Tư LTL.
Hotline0902.990.954
Emailinfotuvanltl@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *